KHỐI HỘP & ĐƯỜNG CONG
11:33, 10/07/2022
Thoạt nhìn sẽ khó đoán được chủ nhân của ngôi nhà này là một phụ nữ độc thân. Những cách chơi đường cong và khối hộp sắc sảo, dứt khoát, thậm chí gay gắt, chính là cách KTS tôn vinh bản ngã đặc biệt, tinh thần độc lập, táo bạo mà vẫn rất nhu mì, rất “tình” ở đôi góc phòng tinh tế.
Việc đầu tiên được thực hiện cho công trình chính là “đập bỏ” – KTS đã quyết liệt dỡ hết mọi vách ngăn hiện trạng của căn hộ, ngoại trừ phần tường kết cấu của tòa nhà. Những gì còn sót lại là một hệ tường chia cắt căn hộ thành hai phần, khu vực chung điển hình ở phía trước gồm phòng khách – ăn – bếp, phần còn lại là cụm không gian riêng tư với phòng ngủ cá nhân và khu đa công năng tách biệt nhau bằng hệ vách ngăn linh hoạt. Giải pháp khoanh vùng không gian hợp lý thông qua những đường cong hữu cơ đã tạo nên tính liên tục cho ngôi nhà, đồng thời phản ánh tính cách gia chủ. Hệ tường ngăn cố định được bao phủ bởi các tấm thép không gỉ bề mặt bóng gương ở phần trên và dưới, tạo cảm giác lơ lửng, đồng thời xóa nhòa ranh giới tiếp giáp tường – trần – sàn nhờ hiệu ứng phản xạ. Một đường cong duyên dáng ngọt ngào cân đối lại toàn bộ cảm quan khúc chiết, chặt chẽ của những hình khối mạnh mẽ. Vách ngăn dạng cửa kéo (cũng là chỉ dấu nhận diện phong cách thiết kế đặc thù của văn phòng kiến trúc này) đem lại sự linh hoạt tối ưu cho không gian.
DÙ ÍT XUẤT HIỆN TRONG CÔNG TRÌNH, NHƯNG SỰ ẤM ÁP CỦA GỖ GIÚP CÂN BẰNG LẠI VẺ TĨNH LẶNG VÀ LẠNH LÙNG CỦA BÊ TÔNG, THÉP, KÍNH. CĂN HỘ LÀ CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA NHỮNG ĐƯỜNG CONG HỮU CƠ DUYÊN DÁNG XUẤT HIỆN TRONG MỘT TỔNG THỂ LOGIC, NGHIÊM CẨN LẠ LÙNG.
Khi mở hoàn toàn hệ vách ngăn, nữ gia chủ có thể sử dụng trọn vẹn diện tích vốn đã được giải phóng tường ngăn trước đó. Ngược lại một số phòng ngủ phụ bổ sung, không gian đa chức năng sẽ hình thành khi cửa đóng lại. Yếu tố còn lại giúp hoàn thiện ngôi nhà nằm ở cách chơi vật liệu, tương phản bề mặt chất cảm và vật dụng nội thất. Từ các đường cong hữu cơ của vách ngăn, bề mặt kính kẻ sọc, chất liệu vải, gỗ cho đến một số yếu tố nội thất lấy cảm hứng từ tấm lambri đặc trưng của nhà cổ Sài Gòn; tất cả không chỉ định hình thẩm mỹ mà còn phác họa rõ nét chân dung cá tính của chủ nhà.